Có nên triệt sản mèo đực không? Ưu nhược điểm nên biết
Có nên triệt sản mèo đực hay không là một chủ đề thường gây tranh cãi đối với cộng đồng người nuôi mèo. Có người cho rằng triệt sản giúp kiểm soát dân số mèo, giúp mèo giảm bớt những hành vi không mong muốn. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc này tác động không tốt đến sức khỏe của mèo. Vậy đâu mới là lựa chọn đúng nhất cho thú cưng của bạn? Cùng PETKIT Việt Nam by HeLiCorp tìm hiểu chi tiết về ưu, nhược điểm của việc triệt sản mèo đực trong bài viết sau đây nhé.
1. Triệt sản mèo đực là gì?
Triệt sản mèo đực là quá trình can thiệp y tế nhằm loại bỏ khả năng sinh sản của mèo, thông qua phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Quá trình này thường được thực hiện bởi bác sĩ thú y và diễn ra khá nhanh chóng so với triệt sản mèo cái, chỉ mất khoảng 15 - 30 phút. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê, giúp mèo không cảm thấy đau đớn trong quá trình thực hiện.
Sau khi triệt sản, mèo đực sẽ không còn khả năng sản xuất tinh trùng, đồng nghĩa với việc chúng không thể thụ tinh cho mèo cái. Điều này cũng có tác động trực tiếp đến hành vi và sức khỏe của mèo đực, khiến chúng có những thay đổi đặc biệt so với lúc chưa triệt sản.
Triệt sản cắt bỏ tinh hoàn mèo đực
2. Có nên triệt sản mèo đực không?
Để quyết định được có nên triệt sản mèo đực không thì bạn cần xem xét đến nhiều yếu tố. Bởi sau khi trở thành “thái giám”, bé sẽ có những thay đổi cả về mặt tích cực và tiêu cực. Sau đây là một số ưu điểm và nhược điểm sau khi triệt sản cho mèo đực.
Ưu điểm khi triệt sản mèo đực:
-
Giảm nguy cơ mắc bệnh: Triệt sản giúp mèo giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ sinh sản như ung thư tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu,... Mèo đực chưa được triệt sản thường có xu hướng đi tìm bạn tình, dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh từ những con mèo khác.
-
Tăng tuổi thọ: Mèo đực triệt sản thường sống lâu hơn vì chúng ít có khả năng gặp nguy hiểm khi đi ra ngoài tìm bạn tình và nhiễm bệnh. Chúng càng ít có nguy cơ bị thương do đánh nhau với những con mèo, động vật khác, hoặc bị tai nạn do đi lang thang ngoài đường.
-
Giảm hành vi tiêu cực: Mèo đực thường thể hiện các hành vi hung hăng như đánh nhau với các con mèo khác, cắn phá đồ đạc, bỏ nhà đi bụi, hoặc đánh dấu lãnh thổ bằng cách phun nước tiểu. Triệt sản sẽ giúp chúng giảm thiểu đáng kể những hành vi này, giúp môi trường sống của bạn và thú cưng trở nên yên bình hơn.
-
Kiểm soát dân số mèo: Đây là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc triệt sản cho mèo. Mèo đực không triệt sản có thể tạo ra hàng chục mèo con mỗi năm, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng mèo bị bỏ rơi và gia tăng quân số mèo hoang, gây áp lực lên các trạm cứu hộ động vật.
Triệt sản giúp mèo đực sống tích cực hơn
Nhược điểm khi triệt sản mèo đực:
-
Rủi ro phẫu thuật: Triệt sản cũng có những rủi ro nhất định như phản ứng với thuốc mê, sốc phản vệ, nhiễm trùng hậu phẫu, hoặc biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, những rủi ro này thường có tỷ lệ xảy ra rất thấp nếu được thực hiện bởi bác sĩ thú y có tay nghề cao.
-
Thay đổi về căn nặng: Sau khi triệt sản, một số bé mèo có thể ít hoạt động hơn và trở nên mũm mĩm hơn do tăng cân. Chủ nuôi cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của mèo hợp lý để tránh làm bé bị béo phì, điều này sẽ khiến bé dễ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.
-
Chi phí: Mặc dù theo mặt bằng chung, chi phí triệt sản mèo đực thường không quá cao so với mèo cái, nhưng với một số người thì đây vẫn là một khoản đầu tư cần xem xét, nếu như trong nhà nuôi rất nhiều bé mèo. Tuy nhiên, chi phí này vẫn sẽ ít hơn so với chi phí chăm sóc các vấn đề về sức khoẻ mà mèo đực không triệt sản có thể gặp phải.
Mèo đực tăng cân sau triệt sản
3. Triệt sản mèo đực khi nào?
Việc lựa chọn thời điểm nên triệt sản mèo đực khi nào là rất quan trọng, bởi nếu thực hiện vào thời điểm lý tưởng, sức khỏe của mèo sẽ được đảm bảo tốt nhất và tránh mắc phải những rủi ro hậu phẫu:
-
Độ tuổi tối ưu: Bạn nên triệt sản cho mèo đực khi bé đạt từ 5 đến 6 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, mèo đã đạt đến giai đoạn trưởng thành giới tính, nhưng chưa phát triển đầy đủ các hành vi tình dục và chưa đạt kích thước tối đa của cơ thể. Triệt sản khi mèo còn trẻ sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề liên quan đến hệ sinh sản.
-
Trước khi trưởng thành đầy đủ: Mèo đực chưa triệt sản khi đạt từ 6 đến 12 tháng tuổi thường có hành vi đánh dấu lãnh thổ và tìm bạn tình dạo. Do đó, triệt sản sớm có thể giúp mèo giảm thiểu những hành vi tiêu cực này.
Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc khi lựa chọn thời điểm có nên triệt sản mèo đực hay không:
-
Hãy đưa bé đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để đảm bảo rằng mèo có đủ điều kiện để phẫu thuật triệt sản.
-
Nếu mèo đực đã bắt đầu thể hiện các hành vi không mong muốn kể trên, thì có thể đây là thời điểm bạn nên triệt sản cho chúng.
-
Nếu bạn không có kế hoạch sử dụng mèo đực với mục đích phối giống, thì hãy triệt sản sớm cho bé khi đã đủ tuổi nhé.
>> Xem thêm: Top các dấu hiệu mèo đực gào cái mà sen cần nắm
Triệt sản cho mèo khi chúng có hành vi tiêu cực
4. Quy trình triệt sản mèo đực chi tiết
4.1 Chuẩn bị trước triệt sản
-
Bác sĩ thú y sẽ khám để đánh giá sức khỏe của mèo như cân nặng, sức đề kháng, tình trạng các cơ quan nội tạng để đảm bảo mèo đủ điều kiện phẫu thuật. Đồng thời giải thích quy trình phẫu thuật, cách chăm sóc hậu phẫu, rủi ro trong lúc thực hiện (nếu có).
-
Mèo cần được nhịn ăn ít nhất 6 - 8 tiếng trước khi triệt sản để giảm nguy cơ biến chứng trong lúc gây mê.
-
Chuẩn bị trước vật dụng y tế để vệ sinh vết thương, đồ ăn, thức uống, không gian thoải mái để mèo có thể hồi phục nhanh chóng sau khi triệt sản.
4.2 Thực hiện triệt sản
-
Bước 1: Sử dụng thuốc gây mê và theo dõi tình trạng ngấm thuốc để đảm bảo an toàn cho mèo trong suốt thời gian phẫu thuật.
-
Bước 2: Rạch 1 - 2 vết nhỏ ở vùng bìu của mèo, sau đó cắt bỏ 2 tinh hoàn.
-
Bước 3: Đóng vết rạch bằng chỉ khâu tự tiêu hoặc keo dán đặc biệt
-
Bước 4: Theo dõi tình trạng sức khỏe của mèo sau phẫu thuật để không gặp phải biến chứng. Lưu ý rằng, chỉ đưa mèo rời khỏi bệnh viện thú y khi đã tỉnh thuốc mê (mở mắt, động đậy, ngóc đầu,...).
4.3 Chăm sóc sau triệt sản
-
Bác sĩ thú y có thể kê đơn giảm đau cho mèo để chúng cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian hồi phục.
-
Bạn cần theo dõi mèo thật kỹ trong suốt 24 tiếng đầu tiên sau triệt sản để kịp thời phát hiện những bất thường như vết thương chảy máu liên tục, bung chỉ, chảy mủ,...
-
Không cho mèo ăn ngay lập tức sau khi triệt sản.
-
Để mèo nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng mát, giữ vệ sinh vết mổ của mèo sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
-
Đưa bé đến bệnh viện thú y tái khám hậu phẫu theo lời dặn của bác sĩ.
Bác sĩ thú y thực hiện phẫu thuật triệt sản mèo đực
5. Không triệt sản mèo đực có sao không?
Không triệt sản mèo đực có sao không còn phụ thuộc vào từng trường hợp. Bạn có thể không triệt sản cho bé nếu:
-
Mèo đang có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bác sĩ thú y có thể khuyến nghị trì hoãn hoặc không triệt sản cho đến khi sức khoẻ bé ổn định.
-
Mèo già hoặc có tiền sử bệnh lý.
-
Bạn có dự định phối giống cho mèo.
-
Mèo không có những hành vi không mong muốn có thể không cần triệt sản ngay lập tức.
-
Mèo sống trong môi trường an toàn và ít gặp nguy cơ mắc bệnh từ các con mèo khác.
Mặc dù có một số nhược điểm, nhưng triệt sản vẫn mang lại những lợi ích vô cùng đáng kể đối với sức khỏe và cuộc sống của mèo đực. Nếu bạn đang băn khoăn không biết có nên triệt sản mèo đực hay không, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để đưa ra quyết định phù hợp. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của PETKIT by HeLiCorp để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.
>> Xem thêm: Làm gì khi mèo đực triệt sản vẫn gào cái?
>> Xem thêm: Triệt sản mèo đực giá bao nhiêu? Phân tích giá chi tiết
>> Xem thêm: Mèo phối giống mấy lần thì được? Thời điểm phối tốt nhất