PETKIT Việt Nam by HeLiCorp

Mèo có bị dại không? Tất tần tật về bệnh dại ở mèo

Thứ Năm, 19/09/2024
NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN
Mèo có bị dại không? Tất tần tật về bệnh dại ở mèo

Khi nhắc đến bệnh dại, nhiều người thường hay nghĩ ngay đến chó, nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng mèo có bị dại không? Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như các dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh, hãy cùng PETKIT by HeLiCorp khám phá tất cả thông tin quan trọng qua bài viết dưới đây. 

1. Bệnh dại là bệnh gì?

Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại, hay còn biết đến là Rabies virus gây ra. Chúng tác động làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của động vật có vú, bao gồm cả con người. 

Bệnh dại chủ yếu lây nhiễm qua vết cắn, vết cào hoặc khi nước bọt của động vật nhiễm bệnh tiếp xúc với vết thương hở, niêm mạc mắt, miệng, mũi của động vật hoặc con người. Khi virus dại xâm nhập vào cơ thể, nó không phát triển ngay lập tức mà di chuyển qua các dây thần kinh từ vị trí vết cắn, cào đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não bộ. Quá trình này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tuỳ thuộc vào khoảng cách từ vết thương đến não và sức đề kháng của cơ thể. 

Điều đáng chú ý là mặc dù bệnh dại đã có vaccine phòng ngừa, nhưng khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn xuất hiện triệu chứng thì việc chữa trị là “vô phương cứu chữa”.

mèo có bị dại không

Rabies virus là nguyên nhân chính gây ra bệnh dại

2. Mèo có bị dại không?

Nhiều “sen” trong quá trình nuôi thú cưng thường có thắc mắc rằng liệu mèo có bị dại không, thì câu trả lời là ! Dù tỷ lệ mèo mắc bệnh dại không cao bằng chó, nhưng không có nghĩa là chúng “auto” an toàn. Các loài động vật hoang dã như chồn, dơi, sóc, chuột rừng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh dại chính cho mèo khi chúng chơi đùa hoặc săn bắt bên ngoài. 

Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng lo lắng rằng không biết trong môi trường nuôi nhốt thì mèo nhà có bị dại không? Điều này vẫn có thể xảy ra khi chúng tiếp xúc với các động vật nuôi khác đang trong thời gian ủ bệnh. Vì thế, bạn nên kiểm tra sức khỏe toàn diện cho các vật nuôi trong cùng môi trường sống để đảm bảo an toàn cho các bé.

mèo có bị dại không

Mèo vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại như chó

3. Dấu hiệu bệnh dại ở mèo là gì?

Để biết được rằng mèo có bị dại không thì bạn cần quan sát biểu hiện và triệu chứng của chúng một cách cẩn thận. Bệnh dại thường phát triển qua 3 giai đoạn với những dấu hiệu đặc trưng như:

  • Giai đoạn đầu (Tiền triệu): Ở giai đoạn này, mèo bắt đầu xuất hiện những hành vi bất thường như lo lắng, dễ kích động, sợ hãi. Chúng có thể mất hứng thú với các hoạt động thường ngày và trở nên khó chịu, né tránh con người. Một dấu hiệu dễ nhận biết nhất là mèo chảy nước dãi bất thường và liên tục, mặc dù không có bất kỳ kích thích nào từ đường ăn uống. 

  • Giai đoạn giữa (Hưng phấn): Mèo trở nên hung hăng, nhai, cắn xé, dễ tấn công mọi thứ kể cả chủ nhân. Giọng kêu của mèo cũng bị thay đổi, chúng phát ra những âm thanh khác xa thường này như gầm gừ, gào thét, kêu la,...

  • Giai đoạn cuối (Liệt bất động): Lúc này mèo đã mất khả năng kiểm soát cơ thể, các cơ bắp teo lại, thường bắt đầu từ chân sau và lan dần đến toàn bộ cơ thể, dẫn đến tê liệt và suy yếu. Mèo không còn sức lực, không thể ăn uống, nằm bất động, nước dãi chảy liên tục và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh dại ở mèo là rất quan trọng. Nếu bạn thấy bé mèo có bất kỳ triệu chứng nào trong 3 giai đoạn trên hoặc nghi ngờ có khả năng nhiễm bệnh, hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ thú y để được kiểm tra.

mèo có bị dại không

Mèo bị tê liệt trong giai đoạn cuối của bệnh dại

4. Khi bị mèo cào hoặc cắn có nguy hiểm không?

Nếu bé mèo của bạn đã được tiêm phòng đầy đủ và không bị mắc bệnh dại, thì bạn có thể an tâm rằng khả năng lây nhiễm từ vết cào hoặc cắn của mèo là rất thấp. Tuy nhiên, nếu mèo chưa được tiêm phòng, thường xuyên tiếp xúc với mèo hoang và sau đó cào cắn bạn, rủi ro lây nhiễm dại là có thể. Trong trường hợp này, bạn cần theo dõi sát sao và xử lý kịp thời nếu mèo có dấu hiệu bất thường.

Ngoài nguy cơ lây nhiễm dại, bạn cũng không nên chủ quan khi bị mèo cào hoặc cắn, bởi những rủi ro khác vẫn có thể tồn tại như:

  • Nhiễm trùng: Trong nước bọt của mèo có chứa vi khuẩn Pasteurella multocida, loại khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng nếu xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, gây nên sưng đỏ, đau nhức, mưng mủ và sốt. Nếu không làm sạch và khử trùng vết thương, có thể sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu.

  • Tổn thương mô mềm: Mèo cào có thể gây tổn thương lớp da và mô mềm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm da.

  • Bệnh lý khác: Dù ít xảy ra hơn nhưng một số bệnh lý như Bartonella henselae (gây ra bệnh sốt cào mèo) vẫn có thể truyền từ mèo sang người. Bệnh này sẽ khiến người mệt mỏi, ốm sốt hay sưng hạch bạch huyết.

  • Tác động lâu dài: Bị mèo cào hoặc cắn có thể dẫn đến đau mãn tính hoặc để lại sẹo nếu không được chăm sóc đúng cách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn gây khó chịu kéo dài cho người bị thương.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên nhanh chóng xử lý vết thương khi bị mèo cào, cắn:

  • Rửa sạch vết thương: Rửa sạch vết thương liên tục bằng xà phòng và dưới vòi nước ấm từ 5-10 phút ngay sau khi bị “hoàng thượng” tác động vật lý. Điều này giúp loại bỏ hầu hết vi khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

  • Khử trùng: Sử dụng các dung dịch như cồn, oxy già hoặc betadine để khử trùng vết thương giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể.

  • Băng bó và theo dõi: Nếu vết thương lớn hoặc chảy máu nhiều, hãy băng bó kỹ càng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như sưng đỏ, đau nhức, chảy mủ, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Tiêm phòng nếu cần: Nếu nghi ngờ có nguy cơ mèo bị dại hoặc bé chưa được tiêm phòng đầy đủ, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để tiêm phòng vacxin bệnh dại cho người càng sớm càng tốt.

  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của mèo: Nên cách ly và theo dõi mèo trong 10 ngày để xem có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh dại xuất hiện hay không. Hãy báo ngay cho bác sĩ thú y và cơ quan y tế nếu bạn nghi ngờ mèo đã bị nhiễm dại.

  • Giữ bình tĩnh: Đừng hoảng sợ, hãy tuân thủ và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ mang đến hiệu quả điều trị tích cực và ngăn chặn kịp thời sự phát triển của bệnh dại.

mèo có bị dại không

Bị mèo nhà cắn có bị dại không?

5. Cách phòng ngừa bệnh dại ở mèo

Để giảm thiểu nguy cơ mèo bị bệnh dại cũng như bảo vệ “boss” và gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả sau đây:

  • Tiêm phòng định kỳ: Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất để bảo vệ mèo khỏi bệnh dại. Hãy đảm bảo rằng bạn đã tiêm vacxin dại đầy đủ và đúng lịch cho mèo. Vacxin này thường được tiêm lần đầu khi mèo đạt từ 12 tuần tuổi, sau đó tiêm nhắc lại hằng năm theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Nếu bạn nuôi nhiều thú cưng, cũng đừng quên tiêm phòng đầy đủ và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các bé nhé.

  • Giữ mèo ở khu vực an toàn: Để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các động vật hoang dã, hãy giữ mèo trong nhà hoặc trong khu vực sân vườn có hàng rào chắc chắn. Nếu bé thích ra ngoài, bạn cần giám sát chúng thường xuyên, có thể sử dụng dây xích và vòng cổ để hạn chế khu vực di chuyển của mèo.

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Bên cạnh tiêm phòng dại, bạn cũng nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tẩy giun, xét nghiệm. Điều này sẽ giúp tăng sức đề kháng cho bé và để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nền.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ sẽ giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn và mầm bệnh. Bạn có thể kết hợp sử dụng thuốc chống bọ chét và rận để tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho bé mèo.

mèo có bị dại không

Tiêm vacxin phòng dại đầy đủ cho mèo để đảm bảo an toàn

Hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ ở trên đã giúp bạn giảm bớt lo lắng về vấn đề mèo có bị dại không, đồng thời có cái nhìn khách quan hơn về bệnh dại và cách phòng tránh hiệu quả. Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của PETKIT by HeLiCorp để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé.

>> Xem thêm: Mèo bị chảy nước mắt do đâu? Điều trị thế nào cho hiệu quả?

>> Xem thêm: Cho mèo con uống sữa ông Thọ được không?

Từ khóa: mèo bị dại
Viết bình luận của bạn
PETKIT by HeLiCorp

Liên hệ